Close
Free HTML5 Bootstrap Template

About Me

Francisco Assisi. Maria
Nguyễn Yên CRM

Trở Lại Trang

BÀI SUY NIỆM VỀ ĐỨC MẸ HỒN XÁC LÊN TRỜI

Để cùng Mẹ lên trời

Linh mục Trịnh Ngọc Danh

Giáo Hội đã phong tặng cho Mẹ nhiều tước hiệu: Mẹ Thiên Chúa, Mẹ Giáo Hội, Mẹ loài người, Mẹ Đồng Trinh, Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội,… và qua sự can thiệp của Mẹ đối với con cái trần gian, Mẹ đã được khen tặng qua nhiều danh hiệu khác: Nữ Vuơng Hoà Bình, Nữ Vương Ban sự Bình An…

Giáo Hội mừng lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời là để tôn vinh Mẹ là nữ tỳ đã được Thiên Chúa ưu ái ban cho một trong những ân huệ cao vời. Mẹ đã được cả hồn lẫn xác lên trời, đang hiện diện bên cạnh Ngôi Hai Thiên Chúa là Con Mẹ; đó là một tín điều.

Vai trò của Mẹ bên Thiên Chúa là gì đối với chúng ta? Và chúng ta noi gương Mẹ sống đức tin như thế nào?

Các nhà thần học đã chú giải cuộc hành trình đức tin của Mẹ Maria từ biến cố truyền tin cho đến giây phút cuối cùng trên Núi Sọ, đồi Canvê.

Chúng ta không đi theo thứ tự ấy để nói về cuộc hành trình đức tin của Mẹ, nhưng chúng ta đi ngược dòng thời gian của cuộc đời Mẹ, qua những biến cố nổi bật: từ những giây phút chết lặng bên xác con trên đồi Canvê trở về biến cố truyền tin, và qua những lời Mẹ đã nói để áp dụng vào cuộc sống đức tin của chúng ta.

Trong suốt cuộc đời của Mẹ bên Giêsu Con Mẹ, Phúc Âm chỉ ghi lại được sáu lời nói của Mẹ từ lúc sứ thần Chúa báo tin vui cho Mẹ cho đến  lúc ẵm xác Con dưới chân Thánh Gía: Ba lời nói có tính cách riêng tư liên quan đến việc truyền tin cho Mẹ làm Mẹ Thiên Chúa; hai lời nói với Thiên Chúa, Con Mẹ: một, khi tìm lại được con trong Đền Thờ và một,trong tiệc cưới Cana,  và cũng trong tiệc cưới ấy, chỉ một câu nói duy nhất đối với con người:  “ Người bảo gì , các anh cứ việc làm theo”; ngoài ra, Mẹ còn có những lời ngợi khen Thiên Chúa được đặt tên là bài ca Ngợi Khen (Magnificat). Áp dụng những lời nói của Mẹ vào cuộc sống đức tin của mình, chúng ta cũng gián tiếp học được gương sống đức tin của Mẹ khi so chiếu với cuộc sống đức tin của chúng ta.

- Trên đồi Canvê, trước lúc trút hơi thở cuối cùng, Chúa Giêsu đã trối lại cho Mẹ những gì?

“Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Chúa Giêsu nói với thân mẫu rằng: “ Thưa Bà, đây là con bà.” Rồi Người nói với môn đệ: “ Đây là mẹ anh.” Kể từ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình. (Ga. 19: 26- 27). 

Lời trối trăn ấy cũng là di chúc cho Giáo Hội trong tương lai. Mẹ Maria đã trở thành Mẹ Giáo Hội và Mẹ chúng ta từ đây. Mẹ đã trở thành một người Mẹ phổ quát.

- Tại tiệc cưới Cana, thấy hoàn cảnh khó xử của chủ tiệc cưới, mẹ đã động lòng trắc ẩn; Mẹ đã can thiệp với Con mình, người mà mẹ biết rõ là ai; Mẹ đã làm đổi ngược chương trình hành động của Con Mẹ trong chương trình cứu chuộc con người: 

“Khi thấy thiếu rượu, Thân mẫu Đức Giêsu nói với Ngài: “Họ hết rượu rồi!” Đức Giêsu đáp: “Thưa bà, chuyện đó can gì đến bà và con? Giờ của con chưa đến.” Nghe nói thế, nhưng mẹ vẫn tin là con mẹ sẽ không từ chối lời xin của Mẹ và Mẹ đã bảo với gia nhân: “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo” (Ga. 2: 1-8)

Trong cuộc sống của mỗi người, có những lúc chúng ta gặp phải cảnh “hết rượu” khi đời sống đức tin của chúng ta đến lúc cạn kiệt, khi niềm tin vào Thiên Chúa bị vẫn đục bằng những khát vọng đam mê trần thế. Đó là những giây phút chúng ta “hết rượu rồi”. Sao chúng ta quên đi một Đấng có thể làm cho bình rượu chúng ta lại đầy tràn? Hãy chạy đến cùng Mẹ, chắc chắn Mẹ sẽ cũng nói với chúng ta như đã nói với các gia nhân: “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo”. Hãy lắng nghe, thực hành những gì Ngài bảo. Đó là “làm theo” Tin Mừng.

Chúng ta biết rằng Mẹ Maria là Mẹ Thiên Chúa và là Mẹ của mỗi người chúng ta. Chúng ta hãy xin Mẹ cầu bàu và can thiệp với Thiên Chúa cho tất cả chúng ta. Mẹ đã can thiệp với Con Mẹ và chính Con Mẹ lại can thiệp với Chúa Cha để chúng ta đi hết con đường dương thế này. 

- Lạc mất con: Xong Kỳ lễ Vượt Qua, hai ông bà trở về nhà, còn cậu bé Giêsu thì ở lại Giêrusalem mà cha mẹ không hay biết. Không thấy con đâu, hai ông bà trở lại Giêrusalem để tìm con. Sau ba ngày, hai ông bà mới tìm thấy con trong Đền Thờ. Khi thấy con, Mẹ Ngài nói với Ngài: “Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy? Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con!” Đó là lời tâm tình của Mẹ nói với Con mình, nhưng cũng là lời tâm tình Mẹ nói với chúng ta một khi chúng ta để lạc mất Thiên Chúa.

Sau Truyền tin, Mẹ đã phải tiếp tục cuộc hành trình đức tin của mình mỗi  ngày trong im lặng của Thiên Chúa và qua những biến cố đôi khi làm cho  Mẹ lạc hướng. Chúng ta hãy noi gương Mẹ. Mẹ sẽ giúp chúng ta sống  đức tin qua những biến cố hằng ngày của cuộc sống, những khó khăn trong gia đình, nơi làm việc, ở khu phố và qua tất cả những vấn đề của thế giới hôm nay.

Như người chăn chiên đi tìm con chiên lạc, như người cha mong mõi đứa con hoang trở về, Thiên Chúa và Mẹ vẫn mong mõi chúng ta trở về mỗi khi chúng ta đánh mất niềm tin vào Thiên Chúa. Lời trách yêu của Mẹ là lời nhắn nhủ chúng ta tìm về lòng thương xót và nhân hậu của Thiên Chúa. 

- Truyền tin: Thiên Chúa sai sứ thần Gabrien đến một thành miền Galilê, gọi là Nadarét, gặp một trinh nữ đã thành hôn với một người  tên là Giuse, thuộc nhà Đavít. Trinh nữ ấy tên là Maria.

Sứ thần liền nói: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà”. Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào ấy có ý nghiã gì.

Sứ thần liền nói: “Thưa bà Maria, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa…

Bà Maria thưa với sứ thần: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến chuyện vợ chồng!”

Với Mẹ, câu hỏi ấy được nêu lên chỉ để muốn sứ thần giải thích về lời loan báo, chứ không phải để hoài nghi, không tin vào lời sứ thần loan báo, thế nhưng đối với chúng ta, đã rất nhiều lần chúng ta cũng thắc mắc như thế, nhưng không phải để củng cố niềm tin, nhưng là để hoài nghi về Thiên Chúa, về sự hiện diện của Ngài nơi trần thế với con người. Trong cuộc sống, có những lúc chúng ta nghi ngờ về sự hiện diện của Thiên Chúa, băn khoăn thắc mắc về những gì Thiên Chúa mặc khải, và đánh mất niềm tin vào Ngài, và đã hoài nghi: “Việc ấy sẽ xảy ra thế nào?”, vì khoa học không thể chứng minh, vì những gì Thiên Chúa truyền dạy không thể giải thích được với suy luận của con người. 

Sau khi nghe sứ thần giải thích, bà Maria đã thưa: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, Xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” ( Lc.1: 26-38)

Con người có khuynh hướng trốn chạy Thiên Chúa, khi Ngài đến gõ cửa nhà mình, khi phải thực hành Tin Mừng Ngài đã truyền dạy. 

Tin Mừng cứu độ cũng là những lời truyền tin mà Thiên Chhúa muốn gửi đến cho con người. Như Mẹ đã sẵn sàng đón nhận sứ mệnh mà Thiên Chúa giao phó trong đức tin và khiêm nhường, chúng ta cũng học lấy cách nói tiếng “xin vâng” của Mẹ để thực thi thánh ý của Thiên Chúa: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, Xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần đã nói.” 

“Một người nữ mặc áo mặt trời, chân đạp mặt trăng, đầu đội triều thiên mười hai ngôi sao” (Kh. 12:1). Đó là điềm lạ về Mẹ Maria, Mẹ Thiên Chúa, Mẹ Giáo Hội và Mẹ chúng ta!

Những đặc ân mà Thiên Chúa ban cho Mẹ: sự viên mãn về ân sủng, sự thánh thiện trọn hảo đã có ngay từ giây phút ban đầu, sự thụ thai đồng trinh với tư cách làm Mẹ Thiên Chúa, sự cộng tác của Mẹ vào toàn bộ công cuộc cứu chuộc và vào sự hy sinh trên thập giá, mầu nhiệm hồn xác lên trời với việc thực hiện tư cách làm Mẹ phổ quát trong sự phát triển đời sống của Giáo Hội, không tách biệt Mẹ với cuộc sống của chúng ta, nhưng ngược lại, là một tấm gương về đời sống đức tin.

Những lúc rượu đức tin cạn kiệt, hãy chạy đến với Mẹ và nhớ lại lời Mẹ đã bảo: “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo”.

Những lúc chúng ta xa rời Thiên Chúa, đánh mất Ngài trong cuộc sống, hãy cùng Mẹ lên Giêrusalem để tìm gặp Chúa.

Và những lúc đam mê dục vọng cuốn hút, những lúc kiêu căng tự mãn làm cho chúng ta chối từ Thiên Chúa , thì hãy khiêm tốn nhận ra lời giải thích của Thiên Chúa qua vũ trụ để cùng Mẹ: xin vâng và cùng Mẹ hát bài ca Ngợi Khen:

“Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng,
Vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi…
Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả,
Danh Người thật chí thánh, chí tôn!…
Từ đời nọ đến đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người.